Ở đâu đó, có một vài người sinh ra họ đã có khả năng viết lách và yêu thích công việc này. Họ có thể đặt bút và viết một văn bản với giọng điệu và cách diễn đạt mượt mà, khiến người đọc thích thú. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng năng tuyệt vời ấy.

Cá nhân mình, khi bắt đầu tìm hiểu và luyện viết Content cũng từng khá chật vật và đôi lúc muốn bỏ cuộc vì nghĩ không phù hợp. Thế nhưng, mọi chuyện thay đổi khi mình tìm thấy “công thức” viết content “vi diệu” để tự luyện tập mỗi ngày.

Hãy tham khảo 9 bước luyện viết Content mình đã áp dụng và sáng tạo hàng trăm bài viết mỗi tháng nhé!

Làm sao để luôn có thật nhiều ý tưởng

Không có điều gì đến một cách tự nhiên và ý tưởng viết bài cũng vậy. Bạn cần luyện tập để luôn “dạt dào” ý tưởng mỗi lần đặt bút. Vậy, luyện tập điều này như thế nào? Cùng bắt đầu nhé.

Trước tiên, hãy tập cho mình khả năng quan sát và cảm nhận mọi thứ từ cuộc sống. Đây là điều tuyệt vời nhất để bồi dưỡng tâm hồn và có thật nhiều năng lượng cho công việc viết lách cần sự sáng tạo.

Thêm một điều thú vị nữa, bạn có thể vừa giải trí vừa tìm kiếm ý tưởng của mình bằng các nghe nhạc, xem video hoặc đọc các cuốn sách mà bạn thích.

Có rất nhiều người khuyên bạn nên đọc sách, điều này thật sự rất tốt cho việc cải thiện khả năng viết của bạn. Tuy nhiên, không phải ai cũng yêu thích việc này và có thể miệt mài hàng giờ với những cuốn sách toàn chữ nhàm chán. Thậm chí, có vài người chỉ đọc chưa đầy mười trang là đã buồn ngủ và không thể đọc tiếp.

Bạn có thể cân nhắc việc nghe sách nói hoặc ưu tiên đọc những cuốn sách mình thích trong giai đoạn đầu (có thể là truyện hoặc tiểu thuyết hay bất cứ thể loại sách nào mà bạn quan tâm. Không nhất thiết phải là sách về Content hoặc sách chuyên môn).

Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo ý tưởng Content từ những nguồn khác nhau, những trang Web hoặc MXH. Bất cứ nơi nào giúp bạn có ý tưởng, mình khuyên bạn hãy tham gia.

ý tưởng luyện viết content

Làm sao để thấu hiểu độc giả của bạn

Thật sự việc này rất quan trọng và bạn không nên bỏ qua. Việc thấu hiểu độc giả giúp bạn có hướng đi phù hợp cho nội dung của mình. Theo cá nhân mình, đây gần như là chìa khóa để bạn nhận được nhiều tương tác cho các bài viết của mình.

Vậy làm sao để thấu hiểu độc giả? Bạn có thể tưởng tượng về điều này và tự vẽ ra chân dung đối tượng mà mình muốn hướng đến. Nhưng cách tốt nhất, mình khuyên bạn nên làm theo 2 bước dưới đây:

Đặt ra những câu hỏi xoay quanh việc (Khách hàng của bạn là ai? Họ bao nhiêu tuổi? Phần đông họ thuộc giới tính nào? Họ có sở thích gì đặc biệt? Họ là người kỹ lưỡng, tinh tế hay người đơn giản…). Hoặc bạn cũng có thể gửi những câu hỏi này lên các group cộng đồng có những đối tượng mà bạn nghĩ đó là khách hàng của mình và nhờ họ đưa ra câu trả lời cho cuộc thảo luận. Nếu có điều kiện, bạn hãy hỏi trực tiếp là tốt nhất.

Khi có tài liệu về chân dung khách hàng. Hãy tập trung xây dựng nội dung hướng đến họ, giúp họ giải quyết những vấn đề đang gặp phải. Từ đó, biến họ trở thành một Fan trung thành với những bài đăng của bạn.

thấu hiểu độc giả

Hãy luôn có dàn ý (Outline) trước khi viết bài

Lập dàn ý giúp bạn không viết thiếu những nội dung quan trọng cũng như diễn đạt bài viết một cách logic và khoa học hơn. Luyện cách lên dàn ý cho mỗi bài viết cũng là cách hiệu quả để bạn rèn luyện tư duy và khả năng phân tích, tổng hợp thông tin. Đây là kỹ năng cần thiết khi viết Content giúp bạn nâng cao chất lượng bài viết của mình.

Tùy thuộc vào mỗi nền tảng và các dạng Content khác nhau cách lập dàn ý của bạn cũng nên có sự thay đổi cho phù hợp. Ví dụ, bạn viết Content cho Website, dàn ý của bạn cần có sự nghiên cứu đối thủ kỹ lưỡng, có những gạch đầu dòng cần thiết đại diện cho các thẻ (H1, H2, H3…) và những lưu ý cần thiết. Hoặc bạn sáng tạo Content cho Fanpage, dàn ý của bạn có thể chỉ là một vài gạch đầu dòng nhắc bạn nên viết gì ở đoạn mở đầu, đoạn giữa và đoạn kết….

Hãy luyện tập và thực hiện việc này như một thói quen để cải thiện khả năng viết và viết tốt hơn mỗi ngày bạn nhé!

lập dàn ý cho bài viết

Content “chuẩn chỉnh” và phù hợp với nền tảng bạn sẽ đăng tải

Việc này sẽ giúp bạn tránh lạc đề hoặc tạo ra những dạng bài viết không phù hợp với nền tảng.

Content “chuẩn chỉnh” và phù hợp với nền tảng là như thế nào? Hãy chú ý đến độ dài, văn phong, ngữ pháp và cách diễn đạt.

Bạn không nên viết một bài dài hơn 3000w để đăng tải trên nền tảng Facebook và cũng không nên chỉ viết một bài chỉ 200-300w khi đăng tải lên website. Tất nhiên, cũng có những trường hợp đặc biệt của việc này. Nhưng phần đông, các cây viết thành công, họ luôn tuân thủ mọi hướng dẫn từ nền tảng để sáng tạo nội dung phù hợp nhất.

Có nhiều nơi để bạn tìm hiểu những thông tin về việc sáng tạo Content phù hợp với nền tảng đăng tải. Ở phần này, mình chỉ nhắc và muốn bạn khi viết bài hãy nhớ và lưu ý việc này.

luyện viết content phù hợp với nền tảng

Luyện viết content súc tích, cô đọng

Bạn có quá nhiều điều muốn chia sẻ với độc giả của mình? Thế nhưng, đa số người dùng hiện nay thường có xu hướng đọc lướt và chỉ chọn đọc những thông tin quan trọng.

Vậy nên, không quan trọng bạn viết dài hay ngắn, điều quan trọng hơn cả là hãy viết đúng và đủ những gì người đọc muốn tìm hiểu.

Mẹo nhỏ để bạn có thể thực hiện việc này hoàn hảo đó chính là hãy đặt những nội dung quan trọng lên đầu bài viết hoặc đầu đoạn văn để độc giả dù có đọc lướt cũng có thể hiểu hết những ý chính mà bạn muốn chia sẻ.

Tất nhiên, để làm được việc này bạn cũng cần luyện tập và nhắc nhở chính mình mỗi khi đặt bút viết bài và thực hành thật nhiều để chúng trở thành thói quen.

Thêm nữa, sau khi viết bài xong, hãy đọc lại bài viết và bỏ đi những câu văn diễn đạt lan man, dài dòng hoặc các ý không quan trọng.

luyện viết content

Cách luyện khả năng diễn đạt mượt mà, logic

Làm sao để bạn có thể khiến người đọc chăm chú vào nội dung mình chia sẻ mà không cảm thấy nhàm chán? Tất cả đều có “tuyệt chiêu” để thực hiện việc này.

Trước tiên, hãy suy nghĩ và sắp xếp các ý tưởng một cách mạch lạc, logic, câu sau có sự liên kết tới câu trước để người đọc không cảm thấy bối rối mỗi khi lướt qua nội dung của bạn.

Sau đó, hãy sử dụng thường xuyên những từ nối để liên kết chúng lại với nhau khiến đoạn văn mượt mà hơn. Một vài từ nối bạn có thể sử dụng thường xuyên như (Tuy nhiên, ngoài ra, vậy nên, trước đó, sau đây…)

luyện viết content

Cá tính độc nhất thể hiện trong Content

Đây cũng là điều bạn nên luyện tập để nâng cao chất lượng bài viết của mình mỗi ngày. Tại sao bạn cần thể hiện “cá tính” của mình khi viết nội dung? Việc này giúp bạn có được những “độc giả” trung thành với những bài đăng của mình.

Hãy tìm ra cho mình một vài điểm khác biệt trong cách viết và duy trì chúng, biến chúng trở thành cá tính của bạn trong việc viết bài.

Tất nhiên, những chủ đề khác nhau cách viết sẽ có sự thay đổi để phù hợp với độc giả và hoàn cảnh. Nhưng hãy làm một điều gì đó để khi đọc giọng văn, độc giả có thể nhận ra ngay đó là nội dung được viết bởi bạn.

luyện viết content chuyên nghiệp

Chính tả là điều bạn không nên bỏ qua

Dù bạn là ai? Một người mới bắt đầu tập viết Content hay một người viết chuyên nghiệp với hàng trăm bài viết được xuất bản mỗi tháng thì cũng không nên bỏ qua điều này.

Hãy luôn đọc lại bài viết của mình tối thiểu là một lần trước khi đăng tải để đảm bảo không có bất cứ lỗi chính tả nào với bài viết của bạn.

Một vài lỗi chính tả phổ biến bạn nên lưu ý:

n – ng (hụt hẫn & hụt hẫng)

t – c (mắt biết – mắt biếc)

d – gi (dành được – giành được)

i – iê (tiềm thấy – tìm thấy)

X- s (Bổ xung – Bổ sung)

….

Chính tả là điều bạn không nên bỏ qua khi luyện viết content

Luyện viết Content theo chủ đề

Đây là có lẽ bước mà phần đông chúng ta yêu thích nhất sau khi đã luyện đủ 8 bước viết Content phía trên. Một vài chủ đề bạn có thể luyện tập nếu bạn là người mới bắt đầu tham gia tìm hiểu về viết Content Marketing.

Nội dung kể chuyện

Hãy bắt đầu thật nhẹ nhàng bằng cách kể những câu chuyện hoặc cảm nhận của mình với mọi thứ mà bạn thấy. Điều này sẽ khiến bạn không quá áp lực với việc viết lách hơn nữa còn giúp bạn thích thú hơn với việc lắng nghe và cảm nhận mọi thứ từ xung quanh.

Những bài viết với dạng kể chuyện cũng mang lại cho người đọc cảm giác gần gũi và dễ tiếp nhận hơn.

Nội dung review

Hãy chia sẻ cảm nhận của mình về một sản phẩm nào đó mà bạn đã trải nghiệm hoặc một bộ phim hay bạn từng xem. Điều này khá gần gũi với đời sống của bạn đúng không nào?

Mở đầu nội dung review với một vài giới thiệu cơ bản:

  • Tên sản phẩm bạn đang hoặc đã trải nghiệm
  • Chúng có những tính năng gì khiến bạn thích thú
  • Đâu là điều bạn nghĩ nhà sản xuất cần cải thiện
  • Bạn có khuyến khích người khác lựa chọn sản phẩm này không….

Nội dung quảng cáo cho các trang social

Đây là dạng nội dung mỗi ngày bạn đều thấy khi lướt MXH đúng không? Vậy hãy thử bắt tay viết lại bất kì một mẫu quảng cáo nào bằng giọng văn của bạn rồi sau đó có thể đăng tải lên các group tự học Content để nhận được phản hồi và đánh giá từ những người trong cộng đồng.

Xem thêm: Giải đáp Social content là gì? Tổng hợp thông tin cần biết về nghề này

Nội dung dạng tổng hợp thông tin

Thường là các bài viết dạng Toplist, tổng hợp thông tin, địa điểm, so sánh sản phẩm… giúp người đọc dễ dàng lựa chọn được điều phù hợp với họ.

Với nội dung dạng này, trước khi viết bạn cần trang bị cho mình những kiến thức tổng hợp cụ thể. Sau đó, phân tích và đưa ra ý kiến cá nhân của mình để tham vấn cho người đọc.

Viết bài chuẩn SEO cho website

Đây cũng là dạng nội dung khá phổ biến mà bạn có thể lựa chọn để bắt đầu với công việc viết content của mình.

Luyện tập với dạng nội dung này cũng khá đơn giản, bạn chỉ cần lựa chọn một chủ đề mình yêu thích. Sau đó, search từ khóa để tìm kiếm những bài viết TOP đầu. Điều cần làm tiếp theo là viết lại bài viết đó theo cách diễn đạt của mình cộng thêm một vài ý tưởng hay ho mà bạn có thể nghĩ ra nhé.

Xem thêm cách viết content chuẩn SEO: Cách viết bài chuẩn SEO với 7 bước đơn giản để bạn thực hành ngay hôm nay!

Còn nhiều những dạng nội dung mà bạn có thể lựa chọn luyện tập khi bắt đầu với việc luyện viết Content. Điều quan trọng nhất là sự chăm chỉ, mình mong là các bạn sẽ luyện tập thành công.

Hi vọng những chia sẻ của mình về việc luyện viết content đã giúp bạn rõ ràng hơn về lộ trình trở thành một “cây viết” chuyên nghiệp.